KHỞI SỰ KINH DOANH NĂM 2010
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

KHỞI SỰ KINH DOANH NĂM 2010

DIỄN ĐÀN KHỞI SỰ KINH DOANH NĂM 2010 CHUYÊN NGÀNH QUẢN TRỊ KINH DOANH
 
Trang ChínhPortalLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 TIÊU CHUẨN SÀNG LỌC: HIỆU QUẢ KINH TẾ

Go down 
2 posters
Tác giảThông điệp
nguyenthikimthanh_ideas

nguyenthikimthanh_ideas


Tổng số bài gửi : 37
Join date : 17/08/2010
Age : 34

TIÊU CHUẨN SÀNG LỌC: HIỆU QUẢ KINH TẾ Empty
Bài gửiTiêu đề: TIÊU CHUẨN SÀNG LỌC: HIỆU QUẢ KINH TẾ   TIÊU CHUẨN SÀNG LỌC: HIỆU QUẢ KINH TẾ I_icon_minitimeThu Aug 26, 2010 7:57 pm

YẾU TỐ HIỆU QUẢ KINH TẾ

“Hiệu quả kinh tế của một hiện tượng (hoặc quá trình) kinh tế là một phạm trù kinh tế phản ánh trình độ sử dụng các nguồn lực (nhân lực, tài lực, vật lực, tiền vốn) để đạt được mục tiêu xác định.”
Các nhà đầu tư vốn mạo hiểm ngoài sử dụng các đặc điểm về ngành & thị trường, các vấn đề về thu hoạch, lợi thế cạnh tranh, quản lý.. để đánh giá cơ hội còn xét đến các yếu tố hiệu quả kinh tế.
Họ dựa trên các chỉ số sau để đánh giá tính hấp dẫn của dự án:
1. Lợi nhuận sau thuế
Lợi nhuận luôn là điều trước tiên nhà đầu tư nhìn vào để đánh giá cơ hội và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Lợi nhuận sau thuế = Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế - Thuế
Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế bao gồm lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh và thu nhập khác.
Các doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế cao và bền vững ( >20%) luôn được đánh giá cao hơn các doanh nghiệp còn lại.
2. Thời gian hoàn vốn và thời gian để có dòng ngân quỹ dương
Nhà quản lý phải quan tâm đến thời gian hoàn vốn: sẽ mất bao lâu để một cuộc đầu tư cụ thể thu hồi lại số vốn đã bỏ ra. Chúng ta biết rằng cái máy ép nhựa được dự kiến tiết kiệm cho Công ty Amalgamated 18.000 USD mỗi năm. Để xác định thời gian hoàn vốn, hãy lấy tổng số tiền đầu tư chia cho khoản tiền tiết kiệm dự kiến hàng năm.
Trong trường hợp này, ta lấy 100.000 USD chia cho 18.000 USD bằng 5,56. Như vậy, cái máy ép nhựa sẽ mất 5,56 năm để hoàn vốn.
Chú ý rằng Công ty Amalgamated sẽ chưa thu được lợi ích của vụ đầu tư này trong hơn 5 năm. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu ước tính về vòng đời sản phẩm bị sai, và cái máy ép nhựa này chỉ dùng được bốn năm là hỏng? Cuộc đầu tư giờ đây có vẻ chẳng còn gì hấp dẫn, và chắc chắn là ít hấp dẫn hơn một vụ đầu tư có ROI tương tự nhưng thời gian hoàn vốn chỉ là 3 năm.
Là một công cụ phân tích, thời gian hoàn vốn chỉ cho bạn biết một điều: mất bao lâu để thu hồi lại số vốn đầu tư của bạn. Mặc dù công cụ này không hữu ích khi so sánh các phương án thực tế, nhưng một số nhà điều hành vẫn còn sử dụng nó.
Các doanh nghiệp có thời gian hoàn vốn và dòng ngân quỹ dương trong thời gian càng dài (>4 năm) thì càng bị đánh giá thấp ở tính hấp dẫn. Thời gian mà các nhà đầu tư cho là hấp dẫn chỉ khoảng 1.5 - 2 năm.
Phân tích hòa vốn
Phân tích hòa vốn cho bạn biết bạn cần bán ra bao nhiêu đơn vị hàng hóa để lấy lại vốn đầu tư cố định. Nói cách khác, tại điểm nào bạn sẽ có sự cân đối dòng tiền do sản phẩm, dịch vụ mới mang lại. Với những thông tin có được, bạn có thể xem xét nhu cầu thị trường và thị phần của đối thủ cạnh tranh để xác định liệu mong muốn bán nhiều như vậy có thực tế không. Phân tích hòa vốn còn giúp bạn tính đến tác động của sự thay đổi giá và số lượng hàng hóa.
Đặc biệt hơn, tính toán hòa vốn giúp bạn quyết định mức sản lượng mà tại đó tổng khoản tiền thu được sau thuế từ một sản phẩm hay một khoản đầu tư trang trải được tổng chi phí cố định của nó. Nhưng trước khi thực hiện tính toán này, bạn cần hiểu một số khái niệm sau:
+ Định phí: Chi phí bỏ ra hầu như luôn cố định cho dù bạn có bán được bao nhiêu sản phẩm hay dịch vụ đi chăng nữa. Đó là những chi phí như bảo hiểm, lương nhân viên quản lý, các khoản thuê… Ví dụ, tiền thuê cơ sở sản xuất và chi phí bảo hiểm là như nhau cho dù công ty làm ra 10.000 hay 20.000 đơn vị hàng hóa.
+ Biến phí: Những chi phí này sẽ thay đổi tùy thuộc vào số lượng hàng hóa được sản xuất và bán ra, ví dụ như phí thiết bị, nhân công và nguyên liệu sản xuất. Bạn sản xuất ra càng nhiều hàng hóa thì bạn càng tốn nhiều chi phí.
+ Lãi biên tế: Là số tiền mà mỗi đơn vị hàng hóa bán được góp phần trang trải cho định phí. Nó được xác định bằng cách lấy doanh thu thuần của một đơn vị trừ đi biến phí (hay chi phí trực tiếp) trên mỗi đơn vị.
Với những khái niệm được định nghĩa trên đây, chúng ta có thể làm một phép tính để tìm ra đáp án cho biểu thức sau:
Lượng hòa vốn = Định phí/Lãi biên tế của đơn vị hàng hóa
Sau đây là cách làm. Trước tiên, hãy tính lãi biên tế của đơn vị bằng cách lấy doanh thu thuần của mỗi đơn vị trừ đi các biến phí của mỗi đơn vị. Sau đó lấy tổng chi phí cố định (hay số tiền đầu tư) chia cho lãi biên tế của mỗi đơn vị. Kết quả phép chia này chính là lượng hòa vốn, tức là số lượng đơn vị hàng hóa phải bán để trang trải toàn bộ chi phí cố định.
Để thấy được sự phân tích hòa vốn trong thực tế, chúng ta hãy xem ví dụ máy ép nhựa được dùng để sản xuất giá treo cho Công ty Amalgamated. Chi phí máy ép nhựa này là 100.000 USD. Giả sử mỗi giá treo được sản xuất ra từ máy ép này được bán với giá 75 USD, và biến phí cho mỗi đơn vị sản phẩm sẽ là 22 USD. Như vậy:
75 USD (Đơn giá) - 22 USD (Biến phí cho mỗi đơn vị) = 53 USD (Lãi biên tế cho mỗi đơn vị)
Do đó:
100.000 USD (Tổng đầu tư cần thiết) / 53 USD (Lãi biên tế cho mỗi đơn vị) = 1.887 giá treo
Phép tính trên cho ta thấy rằng Công ty Amalgamated phải bán 1.887 cái giá treo để hòa vốn đầu tư 100.000 USD.
Lúc này, công ty phải quyết định xem liệu có thể đạt được lượng hòa vốn này không. Liệu có thực tế khi trông đợi bán được 1.887 cái giá treo đó, và nếu được thì mất thời gian bao lâu?
Tính phức tạp của phân tích hòa vốn
Phân tích hòa vốn trong trường hợp giá treo trên đây là một tình huống đơn giản. Chúng ta đã giả sử rằng chi phí đó cố định hoặc biến động một cách rõ ràng, rằng chi phí và số dư trên mỗi đơn vị không thay đổi theo số lượng (nghĩa là giá bán của món hàng không thay đổi theo các mức sản lượng khác nhau). Tuy nhiên giả thiết này có thể không phù hợp trong thực tế. Chi phí thuê cơ sở cho một mức sản xuất nào đó có thể không đổi, nhưng nó sẽ tăng thêm 50% nếu bạn thuê cơ sở thứ hai để mở rộng sản xuất. Chi phí nhân công trên thực tế có thể gộp cả định phí và biến phí. Và khi bạn tung càng nhiều sản phẩm ra thị trường thì bạn cần có mức giá chiết khấu, đồng nghĩa với việc giảm lãi cho từng đơn vị hàng hóa. Bạn cần phải điều chỉnh tính toán hòa vốn cho phù hợp với thực tế phức tạp này.
Đòn bẩy hoạt động
Mục tiêu của mọi nhà quản lý không phải là hòa vốn mà là phát sinh lợi nhuận. Một khi bạn đã trang trải mọi chi phí cố định bằng lãi thu về từ nhiều thương vụ, mỗi thương vụ tiếp theo đều trực tiếp mang đến lợi nhuận. Như chúng ta đã quan sát ở trên:
Doanh thu thuần đơn vị sản phẩm - Biến phí đơn vị sản phẩm = Lãi thu về trên đơn vị sản phẩm
Nhìn qua bạn cũng có thể thấy rằng biến phí của đơn vị sản phẩm càng thấp thì lãi thu về lại càng cao. Chẳng hạn, trong một công ty dược, chi phí xuất ra và đóng gói một chai thuốc mới có thể dưới 1 USD. Tuy nhiên, nếu công ty có thể bán được mỗi chai lấy 100 USD, thì số tiền khổng lồ 99 USD góp vào lợi nhuận công ty nếu doanh thu đạt được ngoài điểm hòa vốn! Rắc rối là công ty dược có thể đã đầu tư trước 400 triệu USD chi phí cố định để phát triển sản phẩm nhằm tung chai đầu tiên ra thị trường. Công ty sẽ phải bán nhiều chai thuốc mới này để hòa vốn. Nhưng sau khi đã hòa vốn thì lợi nhuận có thể rất cao.
Mối quan hệ giữa định phí và biến phí thường được mô tả bằng thuật ngữ đòn bẩy hoạt động. Các công ty có định phí cao hơn biến phí là công ty có đòn bẩy hoạt động cao. Ví dụ như công ty dược trên đây nói chung là có đòn bẩy hoạt động cao.
Bây giờ hãy xem mặt ngược lại: đòn bẩy hoạt động thấp. Trong trường hợp này định phí thấp hơn so với tổng chi phí tạo ra mỗi đơn vị sản phẩm. Hãng luật là một ví dụ điển hình về doanh nghiệp có đòn bẩy hoạt động thấp. Hãng này có chi phí cố định và mức đầu tư vào trang thiết bị tối thiểu. Phần lớn chi phí là những khoản phí trả cho luật sư, tùy thuộc vào số giờ thực tế mà hãng phải thu từ khách hàng.
Đòn bẩy hoạt động là điều quan trọng khi công ty đi qua điểm hòa vốn, nhưng nó có thể gây tổn thất đáng kể nếu không bao giờ đạt được điểm hòa vốn. Nói cách khác, đòn bẩy hoạt động có tính rủi ro. Đó là lý do tại sao các nhà quản lý suy nghĩ nhiều về việc tìm cách cân bằng hợp lý giữa định phí và biến phí.
3. Tiềm năng tỷ suất sinh lợi trên vốn đầu tư:
Thông thường, báo cáo tài chính được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Người cho vay muốn biết liệu doanh nghiệp đang tìm ngân quỹ có khả năng hoàn vốn lại không. Các nhà đầu tư quan tâm đến khả năng ổn định tài chính và phát sinh lợi nhuận cũng như thu nhập của doanh nghiệp có thể tăng hoặc giảm như thế nào trong tương lai. Những nhân viên có năng lực sử dụng báo cáo tài chính để đánh giá tình hình tài chính hoặc hoạt động kinh doanh hiện tại của một công ty trước khi họ ký kết hợp đồng lao động với công ty đó. Các cơ quan ban hành định chế cần các báo cáo tài chính để đánh giá hoạt động và tình hình tài chính của doanh nghiệp hoặc ngành công nghiệp đó.
Mỗi mục đích sử dụng đại diện cho một hình thức phân tích tài chính. Phân tích tài chính thường bao gồm việc nghiên cứu các mối quan hệ, hay tỷ suất giữa các mục nêu trong các báo cáo tài chính. Những tỷ suất này giúp mô tả tình trạng tài chính của một doanh nghiệp, năng suất hoạt động, khả năng sinh lợi tương ứng, cũng như nhận thức của các nhà đầu tư được thể hiện thông qua hành vi của họ trên thị trường tài chính. Các tỷ suất này cũng giúp chuyên viên phân tích hoặc những người ra quyết định có khái niệm chung về nguồn gốc của một doanh nghiệp, hiện trạng và tiềm năng trong tương lai của doanh nghiệp đó. Trong hầu hết trường hợp, các tỷ suất này thường không nói lên đầy đủ bản chất của một doanh nghiệp, nhưng chúng có thể là sự khởi đầu. Những tỷ suất được nêu sau đây đều bao trùm toàn bộ các ngành công nghiệp, tuy nhiên, nó sẽ có ý nghĩa nhất nếu đem ra so sánh dựa trên những phép đánh giá giống nhau cho các doanh nghiệp khác cùng ngành.
Tỷ suất sinh lợi
Tỷ suất sinh lợi liên quan đến lượng thu nhập đạt được với các nguồn lực sử dụng để tạo ra chúng. Lý tưởng thì một doanh nghiệp nên thu được càng nhiều lợi nhuận càng tốt dựa trên một lượng tài chính có sẵn. Những tỷ suất lợi nhuận cần quan tâm là: tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA - return on assets), tỷ lệ lợi nhuận trên vốn cổ phần (ROE - return on equity), và thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS - earnings per share). Ngoài ra còn có “tỷ lệ hoàn vốn đầu tư” (ROI - return on investment) - một thuật ngữ tài chính thường được sử dụng nhiều và có phần bị lạm dụng hiện nay.
Tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản liên quan đến thu nhập ròng và tổng tài sản của công ty, được tính như sau:
ROA = Lợi nhuận ròng / Tổng tài sản
ROA liên quan đến lợi nhuận ròng và vốn đầu tư trong tất cả các nguồn tài chính nằm trong tay cấp quản lý. Công cụ này tỏ ra hữu ích nhất khi được sử dụng để đánh giá tính hiệu quả của việc sử dụng nguồn tài chính này - không quan tâm đến xuất xứ nguồn tài chính. Các nhà phân tích và đầu tư thường so sánh tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản của một công ty với tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản của những đối thủ cạnh tranh cùng ngành nhằm đánh giá tính hiệu quả của cấp lãnh đạo. Ví dụ, nếu ROA của công ty A là 12% còn công ty B là 8%, người ta sẽ có kết luận tích cực về cấp quản lý của công ty A.
Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn cổ phần liên quan đến lợi nhuận ròng và vốn đầu tư bởi các cổ đông. Tỷ lệ này đo tính hiệu quả của quá trình sử dụng vốn góp của các cổ đông. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn cổ phần được tính như sau:
ROE = Lợi nhuận ròng/ Vốn góp của các cổ đông
“Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư” thường được sử dụng trong các cuộc thương thảo kinh doanh liên quan đến khả năng sinh lợi. Chẳng hạn, những câu nói như “Mục tiêu của chúng tôi là đạt tỷ lệ hoàn vốn đầu tư 12%” khá phổ biến. Đáng tiếc là chưa có định nghĩa chuẩn về tỷ lệ hoàn vốn đầu tư, vì “vốn đầu tư” có thể được phân tích từ nhiều quan điểm. Nó có thể là tài sản được sử dụng trong một hoạt động đặc biệt, có liên quan đến vốn góp của các cổ đông, hoặc tài sản đầu tư trừ đi bất kỳ khoản nợ nào phát sinh trong quá trình công ty đang thực hiện dự án. Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư cũng có thể được hiểu là tỷ suất thu nhập nội bộ. Vì vậy, khi ai đó nói đến thuật ngữ “tỷ lệ hoàn vốn đầu tư”, hãy luôn tìm hiểu rõ ràng.
Các nhà đầu tư sử dụng phân tích tỷ suất sinh lợi để đánh giá khả năng thu nhập trong tương lai của một công ty. Các nhà quản lý có thể sử dụng nó để xác định những lĩnh vực mà hiệu suất hoạt động bị hạn chế để tiến hành điều chỉnh.
Những cơ hội cực kỳ hấp dẫn có tiềm năng mang lại ROI hơn 25%/năm.Với mức rủi ro bình thường, tiềm năng ROI thấp hơn 15-25%/năm là không hấp dẫn.
4. Nhu cầu vốn
Khi đi xác định nhu cầu vốn của doanh nghiệp thường là nhu cầu vốn lưu động (dự phóng nhu cầu vốn lưu động). Để dự phóng nhu cầu vốn lưu động bạn phải tìm hiểu tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp năm hiện tại: doanh thu, giá vốn, tiền mặt, hàng tồn kho, phải thu, phải trả năm hiện tại. Từ đó xác định tỷ lệ tăng/giảm doanh thu cũng như giá vốn, tiền mặt, hàng tồn kho (tỷ lệ tăng giảm tùy thuộc vào từng ngành nghề sản xuất kinh doanh, quy mô cũng như mạng lưới bán hàng....)
 Thời gian dự trữ tiền mặt (1)= tiền mặt/giá vốn*365 ngày,
 thời gian dự trữ hàng tồn kho (2)= tồn kho/giá vốn*365ngày,
 thời gian thu hồi các khoản phải thu (3)= phải thu/doanh thu*365ngày,
 thời gian thanh toán các khoản phải trả (4)= phải trả/giá vốn*365ngày
==> Thời gian thiếu hụt nguồn tài trợ = 1+2+3-4
==> Nhu cầu vốn lưu động = doanh thu*thời gian thiếu hụt nguồn tài trợ/365ngày.
Thực tế không khó để tính toán các con số này mà vấn đề là xác định doanh thu, giá vốn, hàng tồn kho....sao cho hợp lý và chính xác.
Nếu trong trường hợp xác định nhu cầu vốn lưu động để cho vay bạn nhớ trừ vốn lưu động ròng của doanh nghiệp và vốn lưu động đã được các tổ chức tín dụng khác tài trợ.
Nếu doanh nghiệp cần quá nhiều tiền hay không thể tìm được tài trợ thì nó được xem là không hấp dẫn.
Biện pháp hữu hiệu giải quyết nhu cầu vốn doanh nghiệp.
Kinh doanh luôn xuất hiện nhu cầu về vốn. Doanh nghiệp nào tìm được biện pháp giải quyết nhu cầu về vốn sẽ có thuận lợi lớn trong hoạt động kinh doanh của mình. Với đòi hỏi về vốn ngày một tăng trong nền kinh tế thị trường, tín dụng thương mại ra đời và được đánh giá là biện pháp hữu hiệu nhất giúp các doanh nghiệp vượt qua các giai đoạn khó khăn về mặt tài chính.
Tín dụng thương mại là quan hệ tín dụng giữa các doanh nghiệp. Được biểu hiện dưới các hình thức mua bán chịu hàng hoá. Tín dụng thương mại xuất hiện là do sự tách biệt giữa sản xuất và tiêu dùng. Do đặc tính thời vụ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khiến các doanh nghiệp phải mua bán chịu hàng hoá.
Mua bán chịu được coi là hình thức tín dụng và nó chứa đầy đủ nội dung cơ bản của khái niệm tín dụng là vì:
+ Người bán chuyển giao cho người mua được sử dụng vốn tạm thời trong một thời hạn nhất định.
+ Đến thời hạn đã được thoả thuận, người mua hoàn lại vốn cho người bán dưới hình thức tiền tệ và cả phần lãi suất.
Giấy nợ trong quan hệ tín dụng thương mại: Cơ sở pháp lý để xác nhận quan hệ nợ nần trong quan hệ tín dụng thương mại là giấy nợ. Đây là một dạng đặc biệt của khế ước dân sự xác định trái quyền cho người bán và nghĩa vụ phải thanh toán nợ của người mua khi món nợ đáo hạn.
Giấy nợ trong quan hệ tín dụng thương mại được gọi là kỳ phiếu thương mại hay còn gọi là thương phiếu. Trong quan hệ thương mại đối nội cũng như đối ngoại có hai loại thương phiếu, đó là: hối phiếu và lệnh phiếu.
Hối phiếu là một loại thương phiếu do chủ nợ lập ra để ra lệnh cho người thiếu nợ trả một số tiền nhất định cho người hưởng thụ khi món nợ đáo hạn. Khi tín dụng thương mại phát sinh, người bán giao hàng cho người mua, đồng thời lập hối phiếu để yêu cầu người mua trả tiền cho người hưởng thụ.
Người hưởng thụ có thể là người phát hành hối phiếu, hoặc cũng có thể là người khác. Người này đóng vai trò chủ nợ của người phát hành hối phiếu, do đó người bán hàng phải chuyển nhượng trái quyền cho người chủ nợ anh ta hưởng món nợ.
Lệnh phiếu là một thương phiếu do người thiếu nợ lập ra để cam kết trả một món nợ tiền nhất định khi đến hạn cho chủ nợ hoặc theo lệnh của chủ nợ.
Sự khác nhau của hối phiếu và lênh phiếu:
+ Hối phiếu do chủ nợ lập, còn lệnh phiếu do người thiếu nợ lập.
+ Hối phiếu thông thường có 3 người quan hệ với nhau:
Người phát hành hối phiếu (người phát lệnh), người trả tiền theo hối phiếu (người thu lệnh) và người hưởng thụ. Còn lệnh phiếu thường có 2 người liên hệ: người phát lệnh phiếu và người hưởng thụ.
Về hình thức thì thương phiếu được chia ra làm các loại sau:
+ Thương phiếu vô danh: là loại thương phiếu không ghi tên người hưởng thụ. Ai cầm thương phiếu một cách hợp pháp người đó là người hưởng thụ.
+Thương phiếu ký danh: là loại thương phiếu có ghi tên người hưởng thụ và người này được quyền chuyển nhượng cho người khác.
+ Thương phiếu định danh: cũng là thương phiếu có ghi tên của người hưởng thụ nhưng khác với thương phiếu ký danh là không được chuyển nhượng cho người khác.
Vai trò của tín dụng thương mại trong nền kinh tế thị trường:
Trong nền kinh tế thị trường hiện tượng thừa thiếu vốn ở các doanh nghiệp thường xuyên xảy ra, vì vậy hoạt động của tín dụng thương mại một mặt đáp ứng được nhu cầu vốn của các doanh nghiệp tạm thời thiếu đồng thời giúp cho các doanh nghiệp tiêu thụ được hàng hoá của mình. Mặt khác sự tồn tại của hình thức tín dụng này giúp cho các doanh nghiệp khai thác được vốn nhằm đáp ứng kịp thời cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mặc dù tín dụng thương mại đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng nó không thể thay thế các hình thức tín dụng khác, và nó có những nhược điểm sau đây:
- Hạn chế về quy mô tín dụng: Tín dụng thương mại là do các nhà doanh nghiệp cung cấp và họ chỉ cung cấp với khả năng giới hạn của họ. Nếu người đi vay có nhu cầu cao hơn thì người cho vay không thể đáp ứng được.
- Hạn chế về thời hạn cho vay: Điều kiện kinh doanh và chu kỳ sản xuất của một doanh nghiệp có thể không phù hợp với nhau, vì vậy mà khi thời hạn mà người cho vay muốn cung cấp và người đi vay có nhu cầu không phù hợp nhau thì tín dụng này không thể xảy ra. Nhưng nhờ phương pháp cấp tín dụng của ngân hàng dưới hình thức chiết khấu đã giải quyết được một phần hạn chế này.
- Hạn chế về phương hướng:Tín dụng thương mại được cung cấp dưới hình thức hàng hoá, vì vậy mà doanh nghiệp chỉ cung cấp được tín dụng cho một số doanh nghiệp nhất định - những doanh nghiệp cần hàng hoá đó để sử dụng cho sản xuất hoặc dự trữ để bán ra.
Ngoài ra việc cấp tín dụng thương mại chỉ được thực hiện trên cơ sở tín nhiệm lẫn nhau.
5. Tiềm năng tỷ suất sinh lợi nội bộ

Giá trị hiện tại ròng NPV
* Khái niệm: là chênh lệch giữa giá trị hiện tại của dòng tiền dự tính dự án mang lại trong thời gian kinh tế của dự án và giá trị đầu tư ban đầu.
* Nhận định về NPV
+Ưu điểm:
- NPV phản ánh giá trị tăng thêm của dự án đầu tư, cho biết giá trị lợi nhuận mà dự án đem lại, do đó giúp cho doanh nghiệp lựa chọn được dự án phù hợp với mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận.
- Cho phép đánh giá hiệu quả tài chính của dự án một cách chính xác vì có tính đến giá trị thời gian của tiền
+ Nhược điểm:
- NPV chỉ cho biết tổng lợi nhuận của dự án mà không cho biết mức độ sinh lời của chính dự án là bao nhiêu (khắc phục nhược điểm này bằng chỉ tiêu IRR)
- Về tính toán, NPV phụ thuộc vào lãi suất chiết khấu "r", tức chi phí sử dụng vốn mà đó lại là một vấn đề rất khó khăn.
Tỷ suất sinh lợi nội bộ IRR
*Khái niệm: Tỷ suất sinh lời nội bộ là tỷ suất chiết khấu mà ứng với nó NPV = 0
* Nhận định về IRR
+Ưu điểm:
- Cho phép đánh giá mức sinh lời của mỗi đồng vốn bỏ vào đầu tư và có tính đến giá trị thời gian của tiền.
- Cho phép so sánh giữa mức sinh lời của dự án đầu tư với chi phí sử dụng vốn.
+ Nhược điểm:
- Chỉ phản ánh tỷ suất sinh lời của dự án là bao nhiêu chứ không cung cấp quy mô của số lãi (hay lỗ) của dự án tính bằng tiền.
- Hàm NPV = 0 là một hàm đa nghiệm (có dự án có nhiều IRR)
NPV hay IRR
Nếu nhà đầu tư có vốn dồi dào, tình hình đầu tư đang gặp khó khăn, thiếu dự án thì dự án nào có NPV càng lớn sẽ được chọn
Nếu dự án được đánh giá có độ an toàn cao, thì NPV là tiêu chuẩn lựa chọn tốt nhất.
Nếu muốn dùng vốn hiệu quả nhất, nền kinh tế đang phát triển, có nhiều dự án tốt để đầu tư, dự án có IRR lớn hơn sẽ được lựa chọn.
Nếu vốn ít, mạo hiểm và nguồn vốn vay nhiều, IRR sẽ là tiêu chí hàng đầu.
6. Lợi nhuận gộp biên
Lợi nhuận biên là tỷ lệ được tính toán bằng cách lấy lợi nhuận chia cho doanh thu. Chỉ số này cho biết mỗi đồng doanh thu tạo ra được bao nhiêu đồng thu nhập. Biên lợi nhuận là một công cụ đơn giản, trực quan và rất hiệu quả, bởi lẽ nó so sánh lợi nhuận (kết quả cuối cùng) với doanh thu (yếu tố đầu tiên hình thành nên lợi nhuận), cả hai lại tương xứng với nhau về thời gian. Biên lợi nhuận được biểu hiện bằng con số phần trăm(%), ví dụ nếu biên lợi nhuận là 15%, tức là một công ty sẽ tạo ra được 0,15 đồng thu nhập trên mỗi đồng doanh thu bán hàng.
Có hai loại biên lợi nhuận. Loại thứ nhất được gọi là biên lợi nhuận sau thuế, bằng tỷ lệ phần trăm của lợi nhuận sau thuế so với doanh thu. Loại thứ hai là biên lợi nhuận trước thuế, là tỷ lệ lợi nhuận trước thuế so với doanh thu. Những nhà phân tích và đầu tư thường nghiên cứu cả hai chỉ số này. Một số người thích sử dụng chỉ số trước thuế hơn, vì chúng thể hiện khả năng sinh lời thực tế hơn mà không gặp phải rắc rối vì các loại thuế.
Ý nghĩa lớn nhất của việc tìm hiểu biên lợi nhuận chính là ở chỗ "biên" (margin). Biên sẽ đóng vai trò một vùng đệm giữa doanh thu và chi phí. Về lý thuyết, những doanh nghiệp có biên lợi nhuận cao có thể tồn tại vững vàng trong bối cảnh chi phí leo thang. Ngược lại, những doanh nghiệp có biên lợi nhuận thấp chỉ có thể tăng lợi nhuận bằng cách đẩy mạnh doanh thu. Khi gặp đợt gia tăng chi phí, những doanh nghiệp này sẽ rất khó khăn. Như vậy, việc theo dõi biên lợi nhuận theo thời gian không chỉ giúp nhà quản lý chủ động ứng phó với cơ hội và nguy cơ từ thị trường, mà còn giúp nhà đầu tư tránh những nhận định cảm tính để nhận diện được những doanh nghiệp có tiềm lực trong cơn bão giá.
Biên lợi nhuận cũng đặc biệt hữu dụng khi so sánh các doanh nghiệp cùng ngành. Nó có thể chỉ ra ngay lập tức những lợi thế doanh nghiệp có được so với các doanh nghiệp khác. Thông thường, doanh nghiệp nào có biên lợi nhuận cao hơn chứng tỏ doanh nghiệp đó có lãi hơn và kiểm soát chi phí hiệu quả hơn so với đối thủ cạnh tranh của nó.
Nhà đầu tư mong muốn tìm kiếm công ty có tỷ lệ lợi nhuận trên mỗi đồng doanh thu cao, vì họ tin rằng biên lợi nhuận càng cao thì khả năng kiểm soát và cân bằng kinh doanh của công ty càng lớn. Chẳng hạn, khi xem xét về hai công ty X và Y. Năm 2007, công ty X có lợi nhuận sau thuế là 16 tỷ đồng, doanh thu bán hàng là 150 tỷ đồng. Trong khi các số liệu tương ứng của Y là 20 tỷ đồng và 210 tỷ đồng. Nếu chỉ nhìn vào lợi nhuận của hai công ty thì rõ ràng Y đã thu lợi nhiều hơn X. Nhưng nếu nhìn vào biên lợi nhuận thì rõ ràng mức của X là 10,6%, cao hơn của Y là 9,5%. Sự khác biệt tưởng chừng không lớn nhưng đôi khi đó chính là lý do khiến cổ phiếu X được ưa chuộng hơn cổ phiếu Y.
Lưu ý:
- Biên lợi nhuận không trực tiếp đo lường khả năng sinh lợi, do chỉ số này dựa trên tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh, chứ không dựa trên các tài sản doanh nghiệp đã đầu tư hoặc vốn cổ phần của cổ đông. Doanh nghiệp thương mại thường có biên lợi nhuận thấp và doanh nghiệp dịch vụ thường có biên lợi nhuận cao.
- Khả năng sinh lợi của một công ty không chỉ phụ thuộc vào biên lợi nhuận, mà còn phụ thuộc vào tốc độ tăng tỷ suất lợi nhuận liên tục của công ty và rất nhiều yếu tố khác. Để có được các thông tin đáng tin cậy về khả năng sinh lợi của một công ty, nên xem xét chỉ số này trong ít nhất 3 - 5 năm. Ngoài ra, cần lưu ý là tăng biên lợi nhuận không đồng nghĩa với việc tăng lợi nhuận.


Nguồn: Tài chính dành cho người quản lý - First News và NXB Tổng hợp TPHCM


Về Đầu Trang Go down
huynhthicongly_ideas

huynhthicongly_ideas


Tổng số bài gửi : 52
Join date : 17/08/2010
Age : 34
Đến từ : kon tum

TIÊU CHUẨN SÀNG LỌC: HIỆU QUẢ KINH TẾ Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: TIÊU CHUẨN SÀNG LỌC: HIỆU QUẢ KINH TẾ   TIÊU CHUẨN SÀNG LỌC: HIỆU QUẢ KINH TẾ I_icon_minitimeThu Aug 26, 2010 8:25 pm

ec, đọc mỏi mắt lun. Thầy mà đọc 63 bài thế này thì thầy tiêu mất thui.hjhj, Phải hok amid
Về Đầu Trang Go down
 
TIÊU CHUẨN SÀNG LỌC: HIỆU QUẢ KINH TẾ
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Tieu chuan sang loc: yeu to hieu qua kinh te
» TIÊU CHUẨN SÀNG LỌC:YẾU TỐ HIỆU QUẢ KINH TÊ
» tiêu chuẩn rà soát: Yếu tố hiệu quả kinh tế
» Tiêu chuẩn sàng lọc
» TIÊU CHUẨN SÀNG LỌC

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
KHỞI SỰ KINH DOANH NĂM 2010 :: KẾ HOẠCH CÔNG VIỆC :: DIỄN ĐÀN NHÓM 7-
Chuyển đến